Trang chủ / Truyền thông / Báo chí / VIETNAM CONNECT FORUM 2024 & GOLDEN DRAGON AWARDS LẦN THỨ 23 (2001 – 2024) VIỆT NAM HƯỚNG TỚI NỀN KINH TẾ XANH, BỀN VỮNG

VIETNAM CONNECT FORUM 2024 & GOLDEN DRAGON AWARDS LẦN THỨ 23 (2001 – 2024) VIỆT NAM HƯỚNG TỚI NỀN KINH TẾ XANH, BỀN VỮNG

13/04/2024

 Tại TP. Hải Phòng, ngày 10 tháng 4 năm 2024, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum) lần thứ 4 và chương trình Golden Dragon Awards lần thứ 23.

Tham dự Diễn đàn có đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bí thư Thành phố Hải Phòng Lê Tiến Châu, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, cùng đại diện các Bộ ngành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), VCCI; đại diện các cơ quan ngoại giao (đại sứ quán, lãnh sự quán); lãnh đạo 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, cùng các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp ngành ngành hàng trong nước và gần 300 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại sự kiện

Diễn đàn Vietnam Connect là sự kiện thường niên, quy mô cấp quốc gia kết nối quốc tế do Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times đồng chủ trì tổ chức. Mục tiêu trọng tâm của Diễn đàn nhằm nâng cao hiệu quả kết nối, tăng cường cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa các địa phương, đối tác quốc tế và các cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Diễn đàn cũng được xác định và củng cố trở thành kênh thông tin uy tín, tin cậy, hội tụ sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, địa phương, đối tác quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp, cùng trao đổi, cập nhật và phản hồi thông tin về các vấn đề kinh tế có xu hướng quốc tế, chiến lược và chính sách của Việt Nam.

Qua 3 lần tổ chức thành công tại thủ đô Hà Nội (năm 2021), thành phố Hồ Chí Minh (năm 2022), thành phố Đà Nẵng (năm 2023), Diễn đàn Vietnam Connect 2024 (lần thứ 4) được tổ chức tại thành phố Hải Phòng, một cực tăng trưởng của tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc. Chủ đề của Diễn đàn Vietnam Connect 2024: Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững: Từ chiến lược, chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của địa phương và doanh nghiệp.
Việt Nam đang cùng với nhiều quốc gia trên thế giới chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế “nâu” sang nền kinh tế “xanh” với trọng tâm chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát thải carbon thấp, đảm bảo tăng trưởng xanh, hướng tới thực hiện thành công cam kết Net-Zero vào năm 2050 và phát triển bền vững. Đây được xem là cuộc Đổi mới xanh/cách mạng công nghiệp xanh và trở thành xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của thế giới.


Theo đánh giá gần đây của Ủy ban châu Âu (EC) về quy mô thị trường toàn cầu hiện nay, các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5.000 tỷ USD và có thể tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030 nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu. Kinh tế xanh còn tạo ra cơ hội để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị xanh, công trình xanh, tài chính xanh. Theo đó, việc nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh nhằm tạo không gian mới, động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp, cho các ngành, lĩnh vực kinh tế có ý nghĩa cấp thiết và sống còn. Trên bình diện quốc gia, Chiến lược về tăng trưởng xanh còn thể hiện quyết tâm và khát vọng phát triển đất nước hùng cường thịnh vượng và bền vững.

Kinh tế xanh đã và đang được cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn có tính pháp chế cao, được đề cập trong các cam kết thương mại quốc tế. Biên giới carbon đã đi vào hiệu lực từ 1/10/2023, quy định về chống mất rừng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 và tiếp tục thế giới sẽ ban hành dấu chân nhựa và biên giới nhựa. Theo đó, việc đáp ứng các tiêu chuẩn của chuỗi cung ứng toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu từ các thị trường là yêu cầu bắt buộc.

Tại Việt Nam, các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2020 có hiệu lực từ 1/1/2022 cũng đang được triển khai mạnh mẽ. Theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Từ năm 2023, các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ kiểm kê phát thải khí nhà kính tự nguyện. Đến năm 2025, kiểm kê phát thải khí nhà kính sẽ là bắt buộc với các doanh nghiệp. Cũng trong Luật này, quy định thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất cũng được xác định rõ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây là những công cụ chính sách thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp tại Việt Nam hiện nay.

Phiên toàn thể Diễn đàn Vietnam Connect 2024 tập trung bàn thảo và cập nhật các xu hướng mới có tính quốc tế về kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế net zero, đồng thời qua thực tiễn hoạt động chuyển đổi xanh của các địa phương, các ngành kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, phản ánh tiến trình phát triển kinh tế xanh của Việt Nam. Các phiên tham luận, thảo luận của Diễn đàn trao đổi về kinh nghiệm quốc tế từ các quốc gia tiên phong thực hiện chuyển đổi xanh. Qua đó, giúp các cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI hoạch định các chiến lược phù hợp và hiệu quả hơn, đồng thời từ thực tiễn khuyến nghị chính sách tạo thuận lợi và động lực nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Diễn đàn Vietnam Connect 2024 được cấu trúc thành 02 Phiên với các báo cáo tham luận về thực tiễn hoạt động chuyển đổi xanh của các địa phương, doanh nghiệp. Phiên thảo luận của Diễn đàn với sự tham gia của 3 nhóm chủ thể chính, gồm: đại diện cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ, ngành; lãnh đạo địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp. Các khách mời phiên thảo luận đã cùng trao đổi, phản hồi và thảo luận về các nhóm vấn đề chính liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh, cụ thể như: các cơ chế, chính sách hiện hành của Việt Nam về vấn đề chuyển đổi xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, hướng tới net zero và phát triển bền vững; đánh giá khả năng huy động và tiếp cận các nguồn lực tài chính xanh, tài chính khí hậu, net zero; đánh giá năng lực, nội lực của các địa phương, doanh nghiệp (FDI và doanh nghiệp Việt Nam) trong việc thực thi chuyển đổi xanh; đề xuất, khuyến nghị chính sách tạo thuận lợi hơn nữa, tốc độ chuyển động chính sách nhanh hơn nữa nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam, góp phần quan trọng đạt mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam.

Đặc biệt, trong khuôn khổ của Diễn đàn, đã diễn ra Lễ Ký Kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Biến đổi khí hậu và các đơn vị thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường (Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường) với Tạp chí Kinh tế Việt Nam nhằm phối hợp triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực và hành động hướng tới mục tiêu Net-Zero của Việt Nam.

Bài viết liên quan